Loại nhựa nào độc hại, loại nhựa nào an toàn đựng thực phẩm?
Nhựa rất tiện dụng và được sử dụng phổ biến. Tuy nhiên, hạt vi nhựa có thể xâm nhập vào cơ thể con người gây ra nhiều phản ứng có hại. Vậy loại nhựa nào độc hại, loại nhựa nào an toàn?
Vậy có cách nào để phân biệt các loại nhựa độc hại và có cách nào thải độc khi cơ thể đã nhiễm vi nhựa không?
Phân biệt nhựa độc hại hay không bằng cách nào?
Theo TS.BS Trương Hồng Sơn – viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, nhựa an toàn là nhựa không chứa các hóa chất độc hại (ví dụ chất độc BPA gây ung thư, béo phì, vô sinh,…).
Có 7 loại nhựa thông dụng thường được sử dụng hiện nay. Người dân có thể phân biệt các loại nhựa dựa vào các ký hiệu được in dưới đáy vỏ chai/hộp nhựa bằng các con số từ 1-7. Các con số này biểu thị dấu hiệu phân loại nhựa và cho biết loại nào nên dùng và loại nào không nên dùng.
Số 1: Nhựa PET hay còn gọi là PETE (polyethylene terephthalate) là loại nhựa thông dụng thường được dùng để đựng thực phẩm dạng lỏng như nước uống, nước ngọt, gia vị (ví dụ nước mắm, nước tương),…
Nhựa PET khá đảm bảo an toàn ở nhiệt độ bình thường, tuy nhiên chỉ nên dùng 1 lần và không nên tái sử dụng do vỏ chai dễ bám mùi vị và vi trùng. Nhựa PET cũng dễ biến dạng, cong queo khi gặp nhiệt độ cao và thẩm thấu chất độc trong nhựa vào thực phẩm.
Số 2: Nhựa HDP hay HDPE (High Density Polyethylene) là loại nhựa tốt và an toàn nhất để đựng thực phẩm. Loại nhựa này có rất nhiều ưu điểm như chịu được nhiệt độ cao (120 độ C trong thời gian ngắn, 110 độ C trong thời gian dài), không sinh ra độc tính, không bị tác động bởi môi trường bên ngoài,…
Số 3: Nhựa PVC là loại nhựa mềm dẻo, đa dụng nhưng lại chứa rất nhiều hóa chất độc hại như phthalates (cản trở sự tăng trưởng của hormone và năng lực sinh sản), bisphenol A (BPA),…
Nhựa PVC thường được sử dụng để sản xuất nhiều vật dụng như túi ni lông, màng bọc thực phẩm, chai đựng nước, đồ chơi,…
Loại nhựa này khi gặp nhiệt độ cao sẽ thẩm thấu chất độc vào thực phẩm, do đó đây là loại nhựa không an toàn để đựng thực phẩm, nhất là thực phẩm nóng. Vì vậy, không nên bọc thực phẩm bằng màng bọc PVC quay trong lò vi sóng ở nhiệt độ cao
Số 4: Nhựa LDPE (Low Density Polyethylene) cũng là loại nhựa không sinh ra độc tính, chịu được nhiệt độ cao (95 độ C trong thời gian ngắn) nhưng kém bền hơn HDPE về tính vật lý (dễ gãy, chịu va đập kém,…).
Đây là loại thường được sử dụng để sản xuất túi ni lông, găng tay ni lông, chai lọ đựng hóa chất,… Loại nhựa này cũng nên chú ý khi dùng ở nhiệt độ cao.
Số 5: Nhựa PP (Polypropylene) là loại nhựa có tính chịu nhiệt tốt nhất (130-170 độ C) nên được sử dụng thông dụng để làm các loại hộp đựng thực phẩm. Vì thế được xem là có khả năng chịu nhiệt tốt, không sinh ra độc tính, an toàn khi sử dụng đựng thực phẩm nóng hay quay trong lò vi sóng.
Số 6: Nhựa PS (Polystyrene) là loại nhựa rất rẻ và nhẹ. Loại nhựa này được ứng dụng để làm các hộp đựng đồ ăn dùng 1 lần hay cốc nhựa dùng 1 lần.
Tuy có khả năng chịu nhiệt nhưng vẫn có thể thẩm thấu chất độc vào thực phẩm dưới tác động của nhiệt độ cao hay thực phẩm có chứa acid/kiềm mạnh. Do đó không an toàn để đựng thực phẩm. Vì vậy, không nên sử dụng nhựa PS để đựng thực phẩm nóng.
Số 7: Nhựa PC là loại nhựa rẻ tiền và cực kỳ độc hại. Loại nhựa này thường dùng để sản xuất vật dụng đựng hóa chất hay bình đựng nước. Khi đựng thực phẩm nóng có thể khuếch tán các chất độc hại nguy hiểm vào thực phẩm (ví dụ chất độc BPA).
Bác sĩ Trương Hồng Sơn cho biết như vậy, những loại nhựa có ký hiệu 1, 2, 4 và 5 là an toàn để đựng thực phẩm. Còn những loại nhựa có ký hiệu 3, 6, 7 nên tránh dùng để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.
Có thể thải độc khi đã nạp vi nhựa vào cơ thể không?
Do sự phổ biến của các sản phẩm nhựa trong đời sống hằng ngày, đặc biệt là những vật liệu nhựa không an toàn gây ra sự nhiễm vi nhựa ở hầu hết dân số. Bác sĩ Sơn khuyến cáo vi nhựa khi xâm nhập vào cơ thể sẽ tích tụ tại các bộ phận trong cơ thể như gan, phổi,… và gần như không có cách nào để thải độc nhựa khỏi cơ thể con người.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Hồng Sơn, vẫn có cách để giảm thiểu tác hại của vi nhựa đối với sức khỏe con người, bạn có thể tránh sử dụng nhựa dùng 1 lần như ống hút, cốc nhựa, hộp nhựa,… và các loại nhựa có ký hiệu 3, 6, 7 để đựng thực phẩm, nhất là thực phẩm nóng, hoặc dùng để đựng thực phẩm quay trong lò vi sóng.
“Ưu tiên các loại nhựa có ký hiệu 1, 2, 4, 5 để đựng thực phẩm, đảm bảo an toàn cho sức khỏe” – TS Sơn lưu ý.
Trả lời